Tin VNPT , Wed, Mar 4, 2020
Dịch vụ chữ ký số công cộng được áp dụng phổ biến trong các giao dịch thương mại điện tử nhằm chứng thực người tham gia giao dịch, xác thực tính an toàn của giao dịch điện tử qua mạng. Sau 10 năm cung cấp trên thị trường, dịch vụ này đã đáp ứng được nhu cầu cho các tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng cá nhân...
Lợi ích cho khách hàng
Dịch vụ chữ ký số công cộng được các nhà cung cấp dịch vụ trong nước ra mắt từ năm 2009. Chữ ký số có giá trị pháp lý và được coi là chứng cứ ký số vào thông điệp dữ liệu (văn bản điện tử, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử...). Đặc biệt, chữ ký số giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện chuyển tiền qua mạng (internet banking); giao dịch chứng khoán và mua bán, đấu thầu qua mạng. Ngoài ra, chữ ký số cũng được ứng dụng phổ biến trong chính phủ điện tử với các hoạt động: Khai sinh, khai tử; cấp các loại giấy tờ và chứng chỉ. Đồng thời được sử dụng cho khai báo hải quan điện tử, thuế điện tử; hệ thống nộp hồ sơ xin phép ở các lĩnh vực xuất bản, xây dựng, y tế, giáo dục…
Phụ trách phòng kế toán tại Công ty xuất khẩu lao động Trường Gia (địa chỉ ngõ 89 Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) chị Hồng Oanh cho biết, dịch vụ chữ ký số quá tiện lợi cho doanh nghiệp. “Công ty chúng tôi dùng dịch vụ này đã 10 năm và nhận thấy dịch vụ chữ ký số không chỉ bảo mật, an toàn cho doanh nghiệp mà còn giúp tiết kiệm chi phí về thời gian, đi lại...” - chị Hồng Oanh thông tin. Còn chị Phương Mai bộ phận kế toán - tài chính của Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Én Việt (địa chỉ đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) cho biết, vào những thời điểm cao điểm của kỳ quyết toán thuế cuối năm, nếu không có dịch vụ chữ ký số thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, nên có dịch vụ này chúng tôi chỉ cần thực hiện các thao tác qua mạng như gửi tờ khai và xác nhận là thành công...
Là một trong số các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số, bà Trần Thị Thu Giang, Phó trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp (Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Nội) giới thiệu thêm, ngoài cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, chữ ký số còn được ứng dụng cho các cá nhân để thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, dành cho trang web (website) và cho ứng dụng (Code Signing). “Chữ ký số không chỉ giúp cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại mà còn giúp tiếp cận cơ hội kinh doanh ở trong nước và quốc tế” - bà Trần Thị Thu Giang bổ sung.
Theo số liệu của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), số lượng chứng thư số công cộng đang hoạt động (năm 2019) đạt khoảng 1,27 triệu chứng thư (cấp cho doanh nghiệp, người dân), tăng 21%. Chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động khoảng 220.000 chứng thư số (cấp cho cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức), tăng khoảng 67%. Đánh giá về thị trường dịch vụ này, ông Đặng Đình Trường, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, thị trường chứng thực chữ ký số công cộng đã tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ riêng năm 2019 Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp mới giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho 5 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 14 đơn vị được cấp phép (tăng 55%). Trong số 14 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hiện nay, có các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ hàng đầu như VNPT, BKAV...
Lần thứ ba VNPT được cấp phép triển khai dịch vụ
Theo đại diện Ban Khách hàng tổ chức doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone, sự tăng trưởng về số đơn vị đăng ký cung cấp dịch vụ cho thấy lượng người dùng chữ ký số công cộng tiếp tục tăng trưởng mạnh; nhất là khi Chính phủ, bộ ngành bắt tay thực hiện chuyển đổi số. Trong bối cảnh đó, sự kiện ngày 14-2 vừa qua, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng VNPT-CA cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) rất quan trọng.
VNPT là đơn vị đầu tiên được cấp lại giấy phép theo Nghị định 130/NĐ-CP ngày 27-9-2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Đồng thời là đơn vị duy nhất được cấp phép lần thứ 3 (cấp ngày 31-12-2019) đến nay, thời hạn của giấy phép trong vòng 10 năm. Theo quy định của Nghị định 130/NĐ-CP, để được cấp phép, nhà cung cấp dịch vụ phải đạt được các tiêu chuẩn về tài chính, nhân lực, cũng như đáp ứng các yêu cầu khắt khe về hạ tầng kỹ thuật bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế.
Như vậy, dịch vụ chữ ký số VNPT-CA của VNPT được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm tính pháp lý trong các giao dịch trực tuyến. Trên nền tảng VNPT-CA, VNPT mang đến cho khách hàng đa dạng các dịch vụ cũng như giải pháp ký số đáp ứng nhu cầu ký số và khả năng đầu tư của cá nhân cho đến tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó có thể kể đến các dịch vụ: Ký số bằng các thiết bị USB Token, sim PKI, các thiết bị chuyên dụng; các giải pháp ký số tập trung, dịch vụ ký số (khách hàng không phải đầu tư hạ tầng và thiết bị ký), giải pháp ký số trên nền web… Đối với công tác chuyển đổi số, chữ ký số đóng vai trò là một cấu phần quan trọng xác định tính pháp lý của các cá nhân và tổ chức tham gia vào các giao dịch cũng như các tài liệu điện tử.
“VNPT cam kết luôn bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ VNPT-CA. Sử dụng VNPT-CA, các cá nhân và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại đàm phán, ký kết hợp đồng, bởi tất cả đều có thể thực hiện thông qua môi trường mạng. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia, dịch vụ chứng thực chữ ký số cho phép doanh nghiệp tiếp cận cơ hội kinh doanh tại bất kỳ đâu chữ ký số được công nhận” – đại diện VNPT VinaPhone cam kết.
Để tìm hiểu thêm về lợi ích của VNPT-CA, khách hàng có thể liên hệ tổng đài 18001260 hoặc (mã vùng) 800126, truy cập website https://vnpt-ca.vn hoặc đến các điểm giao dịch của VNPT tại các tỉnh, thành phố.
Nguồn: vnpt.com.vn